Tổng hợp

Quyết định 618/QĐ-BXD

Mục lục

Quyết định 618/QĐ-BXD

Quyết định 618/QĐ-BXD năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu Tổng công ty Xây dựng Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015” do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

BỘ XÂY DỰNG
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————

Bạn đang xem: Quyết định 618/QĐ-BXD

Số: 618/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU TỔNG CÔNG TY XÂY DỰNG HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2013 – 2015

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015;

Tiếp thu ý kiến của các Bộ tại các văn bản số 1732/BKHĐT-PTDN ngày 19/3/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số 871/BNV-TCBC ngày 13/3/2013 của Bộ Nội vụ, số 810/LĐTBXH-LĐTL ngày 14/3/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, số 3405/BTC-TCDN ngày 19/3/2013 của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Xây dựng và Hội đồng thành viên Tổng công ty Xây dựng Hà Nội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu Tổng công ty Xây dựng Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015” với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU:

Phát triển Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HANCORP) trở thành đơn vị kinh tế mạnh trong lĩnh vực xây lắp; có cơ cấu hợp lý, tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính; phát huy tốt các nguồn lực; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh; đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp và quy chế quản lý theo các thông lệ quốc tế.

II. NỘI DUNG:

1. Ngành, nghề kinh doanh:

a) Ngành, nghề kinh doanh chính:

– Tổng thầu xây dựng và tổng thầu EPC (bao gồm tư vấn thiết kế, mua sắm thiết bị, xây dựng và lắp đặt) các công trình: dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, thủy điện, đường dây và trạm biến thế điện, kỹ thuật hạ tầng đô thị, khu công nghiệp;

– Đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, nhà ở và văn phòng cho thuê.

b) Ngành, nghề kinh doanh liên quan:

– Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật ngành xây dựng;

– Sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu vật liệu xây dựng, cơ khí.

c) Các ngành, nghề kinh doanh khác được Bộ Xây dựng chấp thuận.

2. Vốn điều lệ: được xác định trong phương án cổ phần hóa do Bộ Xây dựng phê duyệt.

3. Phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp hiện có trực thuộc HANCORP giai đoạn 2013 – 2015:

a) Công ty mẹ: thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Cơ cấu tổ chức Công ty mẹ, gồm:

– Các Phòng: Tổ chức lao động; Tài chính Kế toán; Kế hoạch đầu tư; Kinh tế thị trường; Quản lý và Phát triển dự án; Kỹ thuật thi công; Pháp chế – Tổng hợp; Văn phòng;

– Các đơn vị hạch toán phụ thuộc: Công ty Xây dựng quốc tế; Trung tâm quản lý điều hành dự án xây dựng; Xí nghiệp dịch vụ đô thị và nhà ở; Ban quản lý các dự án phát triển nhà và đô thị;

– Các Chi nhánh: HANCORP 1 tại miền bắc; HANCORP 2 tại miền trung; HANCORP 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh;

– Một số Ban điều hành thi công các công trình;

– Đơn vị sự nghiệp: Trường Trung học kỹ thuật và nghiệp vụ Hà Nội; Trường Trung cấp kỹ thuật và nghiệp vụ Vinh; Trung tâm tư vấn khoa học công nghệ, đào tạo và xuất nhập khẩu.

c) Các doanh nghiệp HANCORP nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (06 đơn vị):

– Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội;

– Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Tây Hồ;

– Công ty cổ phần Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh;

– Công ty cổ phần Xây dựng số 2;

– Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ bất động sản HANCORP;

– Công ty cổ phần Xây dựng HANCORP 2.

d) Các doanh nghiệp HANCORP nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên (05 đơn vị):

– Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế và kinh doanh nhà;

– Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4;

– Công ty cổ phần Lắp máy điện nước và Xây dựng.

– Công ty cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội;

– Công ty cổ phần Trung Đô.

e) Các doanh nghiệp HANCORP nắm giữ dưới 36% vốn điều lệ (13 đơn vị):

– Công ty TNHH Liên doanh Xây dựng VIC;

– Công ty cổ phần thi công cơ giới xây lắp;

– Công ty cổ phần xây dựng Đô thị và Khu công nghiệp;

– Công ty cổ phần Kinh doanh vật tư và xây dựng;

– Công ty cổ phần Phát triển Kỹ thuật Xây dựng;

– Công ty cổ phần Bạch Đằng;

– Công ty cổ phần Xây dựng số 34;

– Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp;

– Công ty liên doanh Quốc tế Hồ Tây;

– Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng;

– Công ty cổ phần VIGEBA;

– Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Lanmak;

– Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả.

4. Giai đoạn 2013-2015, thực hiện thoái 100% vốn góp của HANCORP tại các doanh nghiệp sau (15 đơn vị):

– Công ty cổ phần Thiết bị và Vật liệu xây dựng HANCORP;

– Công ty cổ phần Thủy điện Quế Phong;

– Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng;

– Công ty cổ phần SAHABAK;

– Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ;

– Công ty cổ phần Xi măng Mỹ Đức;

– Công ty cổ phần Ngôi sao An Bình;

– Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Bắc Hà Nội;

– Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng đô thị Việt Nam;

– 06 khoản đầu tư tài chính (phụ lục kèm theo).

5. Tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các nội dung sau:

a) Xây dựng Điều lệ Tổ chức và hoạt động; rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống nội quy, quy chế, quy định quản lý nội bộ;

b) Hoàn thiện Chiến lược phát triển đến năm 2015, định hướng đến 2020; trong đó tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực máy móc thiết bị, thi công, chất lượng nguồn nhân lực; sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa;

c) Áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ;

d) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh;

đ) Tăng cường trách nhiệm, quyền hạn, kiểm tra và giám sát của HANCORP đối với người đại diện phần vốn của HANCORP tại các doanh nghiệp khác.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp:

a) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giám sát việc thực hiện Quyết định này; định kỳ hàng quý báo cáo Bộ trưởng và các cơ quan liên quan; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời đề xuất xử lý những vướng mắc phát sinh.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định để trình Bộ phê duyệt Điều lệ Tổ chức và hoạt động của HANCORP;

c) Hướng dẫn HANCORP lập phương án, lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư được nêu tại Khoản 4 Phần II Điều này.

2. Vụ Kế hoạch Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thẩm định để trình Bộ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển đến năm 2015, định hướng đến 2020;

b) Phối hợp với Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện Khoản 1, 3 Phần III Điều này.

3. Vụ Tổ chức cán bộ:

a) Hướng dẫn HANCORP xây dựng Quy chế hoạt động của Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước của HANCORP đầu tư vào doanh nghiệp khác;

b) Phối hợp với Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Vụ Kế hoạch Tài chính thực hiện Khoản 1, 2 Phần III Điều này.

4. Hội đồng thành viên Tổng công ty Xây dựng Hà Nội:

a) Xây dựng Điều lệ Tổ chức và hoạt động; hoàn thiện Chiến lược phát triển đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt;

b) Xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên phù hợp với nội dung Đề án này để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực và tránh cạnh tranh nội bộ;

c) Xây dựng Quy chế hoạt động của Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước của HANCORP đầu tư vào doanh nghiệp khác;

d) Xây dựng phương án và lộ trình cụ thể để hết năm 2015 hoàn thành thoái vốn đã đầu tư vào các doanh nghiệp nêu ở khoản 4, Phần II Điều này, trình Bộ xem xét, phê duyệt;

đ) Tập trung thực hiện tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp theo các nội dung nêu ở Khoản 5 Phần II Điều này.

Xây dựng, triển khai thực hiện các quy chế, quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện mục tiêu, chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ được giao, đánh giá hiệu quả hoạt động của các công ty con theo quy định.

e) Định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Xây dựng kết quả thực hiện đề án này; Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo kịp thời để được xem xét điều chỉnh, bổ sung.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Xây dựng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Hội đồng thành viên Tổng công ty Xây dựng Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:
– Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp;
– Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
– Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội;
– Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng (để báo cáo);
– Tổng công ty Xây dựng Hà Nội;
– Vụ KHTC, TCCB;
– Lưu VT, ĐMDN (N20).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

Trần Văn Sơn

PHỤ LỤC

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ THỰC HIỆN THOÁI VỐN
(Kèm theo Quyết định số 618/QĐ-BXD ngày 26/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

1. Công ty Chứng khoán Dầu khí;

2. Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng gas đô thị;

3. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng 1 Hà Nội;

4. Công ty cổ phần Thủy điện Tuyên Quang;

5. Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm bưu điện;

6. Công ty cổ phần Đầu tư phát triển CMC – Vinaconex.

Đăng bởi: BNC.Edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *